Với ngôn từ giản dị và những dòng suy nghĩ chân thành, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã vẽ một chuyến đi trở lại thời thơ ấu qua tác phẩm Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Không quá phô trương cầu kỳ, cũng không cần quá thâm thúy, nhưng đủ sâu sắc để mỗi người đều cảm thấy có câu chuyện của mình ở trong đó…Cùng Sách Xưa xem ngay nhé!
“Tôi thấy hạnh phúc bên kia đồi
Gọi những bình yên nào ghé chơi
Cần lắm gần lắm sao vời vợi
Tuổi thanh xuân cũng như mây trời…”
(Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh – Châu Đăng Khoa)
Tóm tắt nội dung
Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại Quảng Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với các tác phẩm dành cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn 100 đầu sách các thể loại.
Ông từng có nhiều bút danh khác như Chu Đình Ngạn, Đông Phương Sóc, Lê Duy Cật… Nhưng đến khi trở lại với chính tên Nguyễn Nhật Ánh để chắp bút những câu chuyện về tuổi thơ, tên tuổi ông mới thật sự được định vị trong lòng độc giả.
Các tác phẩm của ông đã tạo thành một dòng chảy riêng biệt: văn học Nguyễn Nhật Ánh. Nhắc đến ông là nhắc đến rất nhiều truyện ngắn, truyện dài đã làm say đắm biết bao độc giả nhiều thế hệ: “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh“, “Mắt biếc”, “Trước vòng chung kết”, “Kính vạn hoa”, “Còn chút gì để nhớ”, “Ngồi khóc trên cây”, “Tôi là Bêtô”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”….Truyện của ông được tái bản liên tục và chưa bao giờ giảm sức hút với những người yêu mến chất văn Nguyễn Nhật Ánh.
Năm 1995, ông được bầu chọn là nhà văn được yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc về các gương mặt trẻ tiêu biểu trên mọi lĩnh vực của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ, đồng thời được Hội Nhà văn TP HCM chọn là một trong 20 nhà văn trẻ tiêu biểu trong 20 năm (1975-1995).
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là những trang hồi ức đầy ắp yêu thương, những niềm vui và nỗi buồn của cậu bé tên Thiều, về một tuổi thơ tại vùng quê nghèo khó. Cùng lũ trẻ trong xóm, ngày ngày rủ nhau chơi các trò chơi mà chỉ có trẻ con thôn quê mới có được. Những câu chuyện nhỏ gần gũi, những tình cảm ấm áp mà những đứa trẻ dành cho nhau khi mới chỉ chớm biết cái thứ tình cảm khác với tình bạn bè…
Tuổi thơ của những đứa trẻ con trong truyện Nguyễn Nhật Ánh không giống như bây giờ. Không có mạng xã hội, không có các trò game online. Tuổi thơ trong truyện ông là được hòa mình vào thiên nhiên, được mặc quần áo dầm mưa ngoài trời, những buổi đi bắn chim hay bứt lá, lượm nắp keng chơi bày hàng hay lùng sục các bờ hào tìm hoa dủ dẻ…
Đến với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, chúng ta được sống trọn vẹn trong không gian đẹp đẽ ấy. Những câu chuyện trong tác phẩm không hề cũ, nó gần gũi và mới mẻ với tất cả mọi người. Hết thảy những áp lực mưu sinh của cuộc sống gần như đã cuốn trôi mất thời thơ ấu hồn nhiên với biết bao kỉ niệm. Với lối hành văn đơn giản, dễ hiểu của Nguyễn Nhật Ánh, ông đã gửi tặng cho mỗi người một tấm vé quay trở lại tuổi thơ để được sống hết mình thêm một lần nữa!
Qua từng trang sách, hẳn mỗi người đều thấy câu chuyện của chính mình ở trong đó. Những lần say sưa nghe truyện ma đến nỗi sợ hãi không dám đi ra ngoài. Những lần bị bố bắt đi mua rượu, phải đi qua con đường có ma cọp trong truyện, Thiều chỉ biết chạy thật nhanh qua trong hoảng sợ. Tường với nhiệm vụ đưa thư cho chú Đàn và chị Vinh…Những câu chuyện tuổi thơ khiến cho độc giả phải bật cười lên sau đó lại rưng rưng nước mắt.
81 chương sách là 81 câu chuyện vừa vui vừa buồn. Mỗi chương là một khía cạnh tâm lý mà nhà văn mở ra cho nhân vật. Không chỉ vậy, ông còn lồng ghép những bài học cuộc sống, những đạo lý, triết lý sâu sắc, gợi cho bạn đọc biết bao suy ngẫm về cuộc đời này…
Tình cảm gia đình được đề cập một cách tự nhiên và gần gũi, khiến độc giả không khỏi thấy cay cay nơi khóe mắt.
Trong câu chuyện của Thiều, thì Tường là một mảnh ghép không thể thiếu của cậu bé. Hai đứa trẻ đã có một tuổi thơ thật đẹp với những kí ức ngọt ngào về tình anh em. Bản thân ai cũng đều có những điều thiếu sót không hoàn hảo. Cậu bé Thiều bồng bột, đôi khi không kiểm soát được cảm xúc của mình nên đã đối xử tệ với đứa em trai bé bỏng.
Nhưng cậu không phải là đứa trẻ hư. Tuổi dậy thì với những tâm lý phức tạp nên chúng ta cũng cần thông cảm với cậu bé. Vốn là người hướng ngoại và khá tinh quái đã nhiều lần đẩy em mình chịu tai vạ do chính mình gây ra. Dù thể hiện rõ ràng là người khá hẹp hòi nhưng sâu thẳm tâm can cậu vẫn rất thương em.
Trái ngược với ông anh bồng bột của mình, thì cậu em Tường lại khá chín chắn và già dặn trước tuổi. Cậu hiền lành, sống nội tâm, bao dung, yêu thương động vật và đặc biệt thương anh vô điều kiện. Những câu chuyện chắp vá trên từng trang sách khiến người đọc thoáng xúc động trước sự trưởng thành và tâm lý của Tường.
Ấn tượng nhất là khi cậu vô tình bị anh Hai cho ăn đòn vì một sự hiểu lầm đến ngã quỵ thì cậu vẫn nhất quyết bảo vệ anh: “Anh đừng nói với ông Xung là anh đánh em nhé, hãy bảo là em trèo cây bị tuột tay rơi xuống đất.” Chỉ từng đó thôi cũng đủ hiểu cậu bé yêu thương anh mình biết nhường nào. Mặc cho mọi lỗi lầm do anh Hai gây ra, cậu cũng chấp nhận gánh hết mọi đòn roi và luôn luôn tha thứ. Lẽ đó, Tường là chính bản thân mỗi người chúng ta khi chưa bước qua ranh giới người lớn trẻ con.
Vậy nên chẳng có điều gì cao cả và đáng trân quý hơn sau mỗi lần vấp ngã, sau mỗi lần tự đứng dậy để trưởng thành, cùng nhau chiêm nghiệm sau tất cả những biến cố, để cuối cùng vẫn có nơi luôn luôn bao dung cho ta trở về, dưới một mái nhà ta gọi là “Gia đình”.
Cùng đi trên hành trình trưởng thành của hai anh em Thiều và Tường thì còn có sự xuất hiện của cô bé Mận hàng xóm. Thiều đã cảm nắng Mận, và bối rối trước sự rung động đầu đời của mình. Chuyện tình trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh không phải thứ gì quá lớn lao, cao siêu nhưng không khỏi khiến con người ta thổn thức.
Thiều thương Mận nhưng không dám nói, viết thư tay còn chưa kịp trao thì đã bị cô giáo bắt được và đọc cho cả lớp nghe. “Những ngày ẩm ương, chưa lớn mà cũng chẳng còn nhỏ, có ai chưa từng dõi mắt nhìn theo một ai”. Còn có những câu chuyện ngộ ngộ dễ thương khiến người ta phì cười vì sự hồn nhiên của nó:
“Con Mận đón lấy cuốn tập, giọng cảm động:
-Sao dạo này bạn tốt với mình thế?
Tôi cười hì hì:
-Tao tốt với mày lâu rồi, tại mày ng… ng…
Tôi tính nói: “Tại mày ngu nên mày không biết đó thôi.”, nhưng đến phút chót tôi tốp lại kịp. Nhưng con Mận đâu có ngu như tôi vẫn mắng nó. Nó nhìn tôi cười méo xẹo:
-Tại mình ngu nên không nhận ra hở?”
Với ngôn từ giản dị và gần gũi với trẻ thơ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo dựng nên những tình tiết gây nghiện cho chính tác phẩm của mình. Từng câu chuyện mộc mạc, trong sáng chạm đến trái tim người đọc, khiến ai đã thưởng thức qua một lần thì thật khó để lãng quên. Những câu chuyện đời thường nhưng lại vô cùng sâu sắc.
Mạch truyện tự nhiên, dẫn dắt người đọc chứng kiến những rung động đầu đời của tụi nhỏ, xen vào đó là những nét đẹp của tình anh em và vài nốt trầm của sự đau đớn khi trưởng thành.
Mặc dù được đánh giá cao về mặt nội dung và phong cách kể chuyện, cuốn sách có thể chưa đề cập đến một số vấn đề sâu sắc hoặc phức tạp của xã hội.
Các nhân vật có thể chưa được khắc họa một cách sâu sắc hoặc phức tạp, bởi tác giả tập trung vào việc tái hiện tuổi thơ một cách nguyên sơ và trong sáng.
Tuy nhiên, những điểm này không làm giảm giá trị của tác phẩm, mà chỉ làm nổi bật thêm ý đồ của tác giả trong việc tạo ra một thế giới tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm và tình yêu thương
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được xuất bản lần đầu tiên vào ngày 9 tháng 12 năm 2010.
Tác phẩm đã được chuyển thể thành một bộ phim điện ảnh cùng tên bởi đạo diễn Victor Vũ, công chiếu vào tháng 10 năm 2015 với doanh thu phòng vé rất cao và gây được nhiều sự chú ý trong công chúng Như một ảnh hưởng từ sức ảnh hưởng tích cực của bộ phim, tiểu thuyết đã trở thành quyển sách bán chạy nhất trong Hội sách Hà Nội năm 2015. Tính đến tháng 3 năm 2020, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã trải qua 43 lần tái phát hành với tổng số bản in lên đến hơn 300.000 bản.
Bình luận trên Facebook