Với bất cứ ai, chắc hẳn cũng đều cảm thấy nuối tiếc khi phải xa rời sân ga tuổi nhỏ. Nhưng may mắn thay, nó lại được an ủi bởi một tấm vé đặc biệt mà Nguyễn Nhật Ánh dành cho tất cả mọi người – tấm vé đi tuổi thơ. Quay về, để được hiểu trẻ con trước khi phải học cách làm người lớn. Quay về, để gột rửa những lo toan xô bồ của cuộc đời và thảnh thơi tận hưởng những dòng nước trong trẻo của tuổi thơ. Đắm chìm vào Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh, để được khóc, được cười với những tháng năm không bao giờ quay trở lại…Cùng Sách Xưa xem ngay!
Tóm tắt nội dung
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là một cái tên không còn quá xa lạ đối với độc giả nhiều thế hệ. Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 Thăng Bình, Quảng Nam. Tuổi thơ ông gắn liền với làng Đo Đo, một địa danh thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm của ông.
Dịu dàng, ấm áp và nhẹ nhàng là phong cách quen thuộc của ông. Không giật gân, ồn ào hay vội vã, nhưng mỗi khi đọc văn ông, độc giả vẫn không khỏi hồi hộp, tò mò bởi những tình tiết thú vị mà không ai đoán trước được.
Trước khi chấp bút cho những câu chuyện tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh đã từng có thời gian đi dạy học và viết báo. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do để ông thêm yêu, thêm mến lứa tuổi học trò hồn nhiên này.
Một lý do nữa đã từng được ông chia sẻ. Từ bé ông đã phải sống xa quê. Nhưng với tình yêu quê tha thiết, ông vẫn không nguôi nỗi nhớ làng Đo Đo yên bình. Nỗi nhớ ấy cứ dai dẳng trong tim ông, nên ông luôn dành tình cảm mãnh liệt nhất dành cho tuổi thiếu nhi, dành cảm xúc dệt nên những trang truyện để được sống lại những năm tháng mà ông luôn hoài niệm, nhớ thương ấy.
Nguyễn Nhật Ánh là một nhà văn đặc biệt, một hiện tượng văn học độc đáo. Các tác phẩm của ông luôn được mong chờ và chào đón kể từ khi mới xuất bản. Các ấn phẩm của ông luôn được phát hành với số lượng cả trăm ngàn cuốn.
Ông cũng đã đoạt nhiều giải thưởng như: truyện dài “Chú bé rắc rối” được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao giải thưởng văn học trẻ hạng A năm 1990, nhà văn yêu thích nhất trong 20 năm (1975-1995) qua cuộc trưng cầu ý kiến bạn đọc của Thành đoàn TP HCM và Báo Tuổi trẻ. Năm 2010, tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của ông được trao tặng Giải thưởng văn học ASEAN.
Cuốn sách này không chỉ dành cho trẻ em. Cuốn sách này còn dành cho những ai đã từng là trẻ em. Trên chuyến tàu quay ngược về tuổi thơ, ông để nhân vật chính của mình là “thằng cu Mùi” làm người dẫn truyện. Đặc biệt, Nguyễn Nhật Ánh để nhân vật của mình kể dưới 2 dòng thời gian khác nhau, nhưng luôn song hành với nhau. Đó là “thằng cu Mùi” lúc bé và “ông Mùi” lúc đã gần 50 tuổi. Điều này khiến câu chuyện trở nên sâu sắc hơn rất nhiều. Màu sắc chiêm nghiệm được rõ nét hơn. Vậy nên cuốn sách không chỉ thích hợp những người đọc trẻ, mà còn có thể hấp dẫn và có ích cho người lớn trong quan hệ với con em mình.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã ra mắt bạn đọc cách đây khá lâu, đến nay đã tái bản được 67 lần. Đây là một trong những cuốn sách được phát hành nhiều nhất trong năm 2008. Tác phẩm giành giải Sách hay của Hội Xuất bản Việt Nam và Giải thưởng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2009. Năm 2010, Nguyễn Nhật Ánh được đề cử và nhận được Giải thưởng Văn học Đông Nam Á với tác phẩm này.
Hiện nay, tác phẩm này của Nguyễn Nhật Ánh được xuất bản tại 3 quốc gia lớn trên thế giới. Ngày 23 tháng 8 năm 2011 được dịch sang tiếng Thái và phát hành bởi Nhà xuất bản Nanmeebooks Thái Lan. Năm 2013, được nhà xuất bản Dasan Books phát hành tại Hàn Quốc. Tại Mỹ, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ được Nhà xuất bản Overlook ấn hành và ra mắt từ ngày 9 tháng 10 năm 2014 với tên “Give Me a Ticket to Childhood”.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ mang cả tuổi thơ đầy nắng và gió của nhiều người ùa về. Chỉ là vài chuyện nhỏ nhặt của cậu bé Mùi cùng chúng bạn thôi, mà Nguyễn Nhật Ánh đã mang đến cho người đọc biết bao cảm xúc thân thuộc. Đi hết từ kỷ niệm này đến câu chuyện khác, mà dám chắc tám mươi phần trăm trong số đó tuổi thơ ai cũng đã từng trải qua.
Thế giới của trẻ con, thế giới của cu Mùi, Hải cò, Tý sún và con Tủn. Thế giới ấy chỉ có tiếng cười hồn nhiên, vô tư, trong trẻo, không chút dính dáng tới nỗi lo cơm áo gạo tiền ngày ngày bủa vây. Bằng trí tưởng tượng và óc sáng tạo xen lẫn khả năng phá hoại thần sầu của mình, cu Mùi cùng đám bạn đã nghĩ ra đủ thứ trò chơi. Những sự cố dở khóc dở cười, câu chuyện tình yêu con nít, và thậm chí cả những lần ghen tuông quá đỗi đáng yêu khiến người người đọc không khỏi bật cười khi dõi theo hành trình tuổi thơ của những cô cậu ấy.
Chỉ vài nét gợi lại những trưa hè oi ả, những trưa trốn ngủ đi chơi, sao mà thấy gần gũi thân thương đến thế. Và giờ đây, khi phải lặn ngụp hàng ngày trong dòng chảy xiết của cuộc sống, người ta lại ước ao được một lần quay lại cái thế giới khó hiểu ấy.
Vui có, nhưng buồn cũng có. Những chi tiết khiến người ta không khỏi lặng đi trước sự vô tâm của người lớn, mà người phải chịu tổn thương là tâm hồn non nớt của những đứa trẻ. Ví như vụ ba cái Tí sún đã biến chú chó bé bỏng thành món ăn trên bàn nhậu đã khiến tình bạn của bọn trẻ bị ảnh hưởng không ít. Đó là chú chó mà cả 4 đứa trẻ đã hết lòng chăm sóc, huấn luyện và vô cùng yêu thương…
Thậm chí tác giả đã để những đứa trẻ mở ra phiên tòa để phán xét lỗi lầm của những người lớn. Và những bậc làm cha làm mẹ đôi khi cũng phải tự suy nghĩ lại về cách dạy dỗ con cái của mình. Không nuông chiều, nhưng phải đủ yêu thương, bao dung và thấu hiểu để những tổn thương không tìm đến con trẻ!
Trẻ con rồi cũng thành người lớn, những hành động của bố mẹ sẽ có ảnh hưởng lên tính cách của con cho đến mãi sau này. Hãy lấp đầy tuổi thơ của con với những kỉ niệm hồn nhiên và trong veo như thế.
Tuổi thơ được đo bằng âm thanh, màu sắc và cảnh đẹp, trước khi thời khắc đen tối của lý trí trỗi dậy. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh đã thực sự chạm đến từng góc nhỏ trong tâm hồn độc giả. Tác phẩm thực sự là một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn, những người đang hối hả ngược xuôi giữa dòng đời tấp nập, thèm lắm một chút hương vị của quê hương những ngày thơ bé.
Cái hay của câu chuyện nằm ở chỗ, bên cạnh những câu chuyện dành cho trẻ con, thì luôn song song những suy nghĩ, những chiêm nghiệm của người lớn. Trở về tuổi thơ với tư cách một người trưởng thành, hẳn cái nhìn sẽ có phần khác hơn nhiều. Vui vẻ có, bồi hồi có, da diết có, khắc khoải có…Tất cả đều làm nên một chuyến đi thật ngọt ngào và đáng nhớ.
Cách viết của Nguyễn Nhật Ánh hết sức thú vị và lôi cuốn. Nó kì lạ lắm, luôn mang lại cảm giác an yên và ấm áp lạ thường. Nó mang lại cả tiếng cười và nước mắt, hòa vào nhau, cùng nhau làm nên một bản nhạc du dương về thời thơ ấu.
Cuốn sách chỉ vỏn vẹn 208 trang, những cách mà tác giả diễn tả suy nghĩ và kể lại câu chuyện khiến độc giả ấn tượng và tâm đắc vô cùng. Một cuốn sách rất dễ thương dành cho những đứa trẻ, và những ai đã từng là đứa trẻ. Vừa đọc vừa mỉm cười vì thấy chính mình ở trong đó. Những cuộc tình bọ xít chớm nở của con nít, dăm ba trò phá làng phá xóm được kể lại tỉ mỉ và sinh động, rất mượt mà và không hề gượng ép.
Độc giả cộng đồng Top Xuyên Việt đã bình luận rằng: “Nước mắt họ đã nhòe đi khi đọc đến những trang cuối cùng. Khóc khi những kỉ niệm ùa về, khóc bởi sự vất vả ngược xuôi với cuộc sống đang ngày ngày đối mặt. Những ước mơ còn dang dở, những cuộc tình chưa trọn vẹn…tất cả đều làm nên một bản nhạc vui tai về trẻ thơ nhưng cũng không nén nổi xúc động.”
Cuối cùng, đọc những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, không chỉ là đọc những câu chuyện Bác Ánh viết, mà còn cảm nhận những triết lý nhân sinh mà Bác gửi gắm qua từng trang sách. Để được vội vã hòa mình vào bầu trời tuổi thơ không bao giờ quay trở lại ấy:
“Đêm nay tôi bước vội khỏi nhà.
Đến ga, xếp hàng mua vé:
Lần đầu tiên trong nghìn năm.
Có lẽ.
Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.
Vé hạng trung
– Người bán vé hững hờ
Khe khẽ đáp:
Hôm nay vé hết!
– Biết làm sao!
Vé hết, biết làm sao!
Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?”
Dù Cho Tôi Xin Một Vé Đi Tuổi Thơ của Nguyễn Nhật Ánh là một tác phẩm được đánh giá cao về mặt nội dung và phong cách kể chuyện, nhưng cũng có một số nhược điểm có thể xem xét:
Bình luận trên Facebook