Mô tả sản phẩm
Từ trang sách Hương Quê của cố nhà văn Bình Nguyên Lộc (1914 – 1987), nơi mà người đọc có thể “ngó thấy hết nỗi đau buồn, đến một giấc mơ giây phút hoà bình và cả những tháng ngày rong chơi, mau mau cho hết chiến tranh…”.
Với Bình Nguyên Lộc, không đâu bằng mảnh đất nơi mình đã được sanh ra, dù thế nào thà mình chết với nó còn hơn phải chịu cảnh “sống mà như chết” lưu vong trên vùng đất xa lạ. Các truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc, hầu hết các nhân vật gắn liền với đất, bằng mọi cách gắn chặt với đất, miễn là có thể sống được. Xa đất mẹ là xa cõi người, chỉ còn nỗi buồn mãi mãi trong lòng.
Đọc những câu chuyện của Bình Nguyên Lộc, có cảm giác muốn khóc rồi muốn cười, muốn nhớ rồi muốn quên những câu chuyện về thân phận người sao mà nó “Việt” đến vậy. Có lẽ, ông đã đặt tất cả những niềm yêu thương nhung nhớ vào miền đất này, xứ sở nhiều đau thương và mất mát này, mọi hy vọng về một “quê hương yên bình” mãi tìm kiếm, mà cả đời người có khi mải miết kiếm tìm.
Nội dung cuốn Hương Quê truyện ngắn của Bình Nguyên Lộc
Sau mấy thập kỷ, kể từ lúc được in trên tạp chí Hương Quê, những truyện ngắn mang hương sắc miền Đông Nam bộ lại được ra mắt độc giả dưới tên gọi chung: “Hương Quê – Bình Nguyên Lộc”. Lối viết giản dị nhưng rất lôi cuốn, qua thời gian, càng cho thấy sức mạnh của một ngòi bút bậc thầy.
Tạp chí Hương Quê đã chọn Bình Nguyên Lộc, cùng với Sơn Nam – một nhà văn tiêu biểu của miền Tây, làm hai trụ cột văn chương của hai vùng đất, để nói lên tiếng nói của nông dân Nam bộ. Những truyện ngắn của hai nhà này đến nay trở thành vốn quý của văn chương Việt Nam.
Khí chất Nam Bộ đặc trưng vẫn chảy trong Hương Quê, ở đây có một truyện đặc biệt ấn tượng: Sanh nghề tử nghiệp. Truyện nhắc đến một nghề rất mạo hiểm nhưng lại không hiếm thấy ở vùng quê: hái cau. Vừa vào truyện thì người đọc nhận ngay một cảnh báo: “Coi chừng té xuống mương!”, tác giả như thể muốn gợi về một điềm gở sẽ xảy ra lúc sau.
Nhân vật trong chuyện là một cô bé được gọi là: “con Nhộng”, Nhộng ở với mẹ. Mọi thứ đều bình thường cho đến khi người đọc bị đẩy thẳng vào hai chi tiết rất tối tăm: bản thân con Nhộng bị mù và nó phải làm nuôi mẹ vì: “má nó bại xụi tay chân đã ba năm rồi, cứ nằm một chỗ, không làm ăn được gì hết”. Quê nghèo và nghịch cảnh là tổ hợp không bao giờ cũ của các nhà kể chuyện bình dân, ở đây một tình huống éo le được bày ra: một người tàn tật nuôi một người tàn tật.
“Hương Quê – Bình Nguyên Lộc” sẽ là nỗ lực đầu tiên để xuất bản lại hàng loạt tác phẩm có giá trị cao của nhà văn này.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.